06.04.2018

Hội thảo “Chuyển dịch Công bằng trong ngành Năng lượng”: Lộ trình hướng tới chuyển dịch cơ cấu năng lượng tại Việt Nam"

“Việc cắt giảm dần điện năng cung cấp từ các nhà máy nhiệt điện than truyền thống và chuyển dịch sang các nguồn năng lượng sẽ giúp giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính, cải thiện sức khỏe của người dân Việt Nam, đồng thời giúp thúc đẩy quyền của người lao động trong lĩnh vực năng lượng sạch đang ngày càng phát triển” – viễn cảnh này nằm trong kịch bản tốt nhất được xây dựng bởi các thành viên tham gia hội thảo về Chuyển dịch Công bằng trong ngành Năng lượng tại Việt Nam. Hội thảo nâng cao năng lực do FES và Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) hợp tác tổ chức diễn ra từ 27 – 29.3.2018 tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hà Nội. Hội thảo quy tụ các nhà nghiên cứu, chuyên gia năng lượng, cán bộ công đoàn và nhà hoạt động khí hậu, nhằm thảo luận khái niệm “Chuyển dịch công bằng” và việc triển khai tại Việt Nam. Kết quả chính của hội thảo là phác thảo báo cáo về nguồn cung năng lượng bền vững trong tương lai với tỷ trọng năng lượng tái tạo nhiều hơn.

Từ lý thuyết đến thực tiễn

Tuy nhiên, giữa thực tại và viễn cảnh nêu trên là một khoảnh cách rất xa. Với kế hoạch bổ sung 40.000 MW điện than mới và 15.000 MW đang được xây dựng, Việt Nam đứng thứ 4 trong số những nước xây mới nhà máy nhiệt điện than nhiều nhất trên thế giới. Việc phát triển năng lượng phụ thuộc chủ yếu vào nhiệt điện than đã gây ảnh hưởng tới các cộng đồng địa phương. Báo cáo gần đây của GreenID cho thấy chi phí môi trường và xã hội ngày càng gia tăng gây ra do đốt than trong nước: Hàng triệu người bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí gia tăng, mất đất, khan hiếm nước và các tác động tiêu cực đến những ngành khác. Để cung cấp đủ nhiên liệu cho số lượng các nhà máy nhiệt điện than đang tăng lên, Việt Nam đã chuyển từ một nước xuất khẩu than thành nước nhập khẩu, an ninh năng lượng quốc gia vì thế bị đe dọa. Trong khi đó, Việt Nam có tiềm năng năng lượng tái tạo lớn với các nguồn năng lượng như mặt trời, gió và sinh khối. Việc chuyển dịch sang nền kinh tế năng lượng sạch không chỉ giúp giảm nhẹ các vấn đề môi trường, mà còn mở ra tiềm năng cho những công việc trình độ cao trong một ngành công nghiệp đang phát triển. Đó là sự tương phản rõ rệt so với điều kiện làm việc bấp bênh trong ngành than, ví dụ như khai thác than.

Với chi phí sản xuất đang giảm dần và tính cạnh tranh tăng dần của năng lượng tái tạo, Việt Nam đang đứng giữa hai lựa chọn: Tiếp tục đầu tư vào ngành than vốn đang thoái trào, hay trở thành một trung tâm năng lượng sạch tiềm năng trong khu vực.

Đảm bảo chuyển dịch năng lượng công bằng cho tất cả mọi người

Chuyển dịch Công bằng không chỉ đề cập đến tác động môi trường, mà còn cả các tác động kinh tế và xã hội đối với tất cả các bên bị ảnh hưởng. Do đó, Chuyển dịch Công bằng thúc đẩy sự bình đẳng và công bằng cho người lao động trong ngành nhiên liệu hóa thạch, cũng như các cộng đồng chịu ảnh hưởng bất công do nền kinh tế nhiên liệu hóa thạch (VD: người lao động thu nhập thấp, phụ nữ và trẻ em). Hai chuyên gia giàu kinh nghiệm đến từ Hoa Kỳ đã chủ trì cuộc thảo luận: Dean Hubbard từ Sierra Club và Betony Jones từ UC Berkeley. Họ là những người rất tâm huyết nỗ lực hướng đến mục tiêu Chuyển dịch Công bằng. Trong suốt hội thảo, họ đã cung cấp cái nhìn toàn diện về khái niệm Chuyển dịch Công bằng cũng như các phương pháp nghiên cứu liên quan.

Nhiều câu hỏi nghiên cứu đã được đưa ra trong quá trình thảo luận giữa người tham gia và các tập huấn viên: Các tác động môi trường, xã hội và kinh tế của việc sản xuất năng lượng bền vững là gì? Chúng ta có thể làm gì để đảm bảo công bằng trong quá trình chuyển dịch năng lượng sắp diễn ra, trên bình diện xã hội, kinh tế và chính trị? Các bên liên quan chính là những ai, và làm sao để kêu gọi sự tham gia của họ trong công cuộc chuyển đổi năng lượng? Những câu hỏi này sẽ được trả lời thông qua các nghiên cứu độc lập của những người tham gia được lựa chọn trong vài tháng tới. Các thông tin này sẽ là cơ sở cho một báo cáo về Chuyển dịch Công bằng tại Việt Nam.

Tham gia hội thảo, ông Trần Quang Huy – Chủ tịch Công đoàn Công thương Việt Nam, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của một lộ trình tổng thể hướng tới chuyển dịch công bằng và không bỏ ai lại phía sau: “Chúng ta cần xây dựng các chiến lượng nhằm đưa Chuyển dịch Công bằng từ nhận thức đến hành động.”

Một bước tiến hướng tới các giải pháp năng lượng đảm bảo công bằng xã hội

Hội thảo đã điểm qua các khái niệm, các thực hành trên thế giới, phương pháp nghiên cứu và kinh nghiệm địa phương trong khuôn khổ của Chuyển dịch Công bằng. Thông qua việc tạo ra một diễn đàn trao đổi góc nhìn từ những khía cạnh khác nhau, báo cáo kết quả sẽ cung cấp một phân tích tổng thể về những tác động tạo ra từ việc chuyển đổi sang nguồn cung cấp năng lượng sạch hơn, cũng như những khuyến nghị khả thi cho Quy hoạch Phát triển Điện lực 8. Nghiên cứu được thực hiện trong khuôn khổ dự án 3 năm giữa FES và GreenID. Kết quả nghiên cứu sẽ được trình bày trong hội nghị quốc tế về Chuyển dịch Công bằng vào tháng 9 năm 2018.

Friedrich-Ebert-Stiftung
Vietnam Office

7 Ba Huyen Thanh Quan
Ba Dinh
Hanoi - Vietnam
IPO Box 44

+84   24 38455108
+84   24 38452631

mail.vietnam(at)fes.de

Team & Contact