30.10.2020

Các mục tiêu khí hậu cập nhật của Việt Nam hướng đến tối đa hóa đồng lợi ích từ hành động khí hậu

Việt Nam vừa bổ sung thêm một nội dung trong bản cập nhật Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) thuộc khuôn khổ Công ước khung Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) nhằm nhấn mạnh các đồng lợi ích về kinh tế - xã hội của hành động khí hậu đối với quốc gia.

Thuật ngữ ‘đồng lợi ích’ đề cập đến việc đáp ứng đồng thời nhiều lợi ích hoặc mục tiêu nhờ vào can thiệp chính trị, đầu tư tư nhân hoặc sự kết hợp của cả hai.

Sebastian Helgenberger, Martin Jänicke, & Konrad Gürtler (2019): Các đồng lợi ích trong giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Bách khoa thư các Mục tiêu phát triển bền vững của LHQ

Phân tích chi phí - lợi ích chính thức đầu tiên đã nêu lên một danh sách các đồng lợi ích có thể giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội song song với các cam kết về mục tiêu phát triển bền vững (SDG).

Các kết quả phân tích chi phí – lợi ích trong việc triển khai các biện pháp giảm nhẹ được nêu trong NDC cập nhật cho thấy những tác động về mặt kinh tế - xã hội từ việc triển khai NDC cập nhật nhìn chung là tích cực. […] Vốn đầu tư (tính theo giá trị năm 2014) sẽ tăng so với kịch bản BAU [kịch bản phát triển thông thường], trong khi cơ hội việc làm có thể còn lớn hơn nữa. […] Bất bình đẳng kinh tế có khả năng sẽ gia tăng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và tỷ lệ lạm phát sẽ tăng nhẹ so với kịch bản BAU.

Chính phủ Việt Nam (2020): Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật, đệ trình cho UNFCCC ngày 11.09.2020

Việt Nam đã đệ trình bản cập nhật Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) cho UNFCCC vào ngày 11/09/2020, trở thành quốc gia thứ 13 đệ trình bản cập nhật cho tới thời điểm này. Bản NDC cập nhật hiện đã xem xét toàn bộ nền kinh tế bao gồm cả các quá trình công nghiệp cho giai đoạn từ 2021 đến 2030 – một bước tiến so với NDC trước đây vốn chỉ xem xét bốn lĩnh vực gồm nông nghiệp, năng lượng, chất thải, và LULUCF (sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp).

Đây là kết quả của một quá trình toàn diện kéo dài 3 năm do Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) chủ trì, với sự tham gia tích cực của tất cả các bộ ngành liên quan, các viện nghiên cứu, các chuyên gia và nhóm nghiên cứu tư vấn (think tank), các đối tác phát triển, các tổ chức phi chính phủ , cũng như các nhân tố phi nhà nước khác.

Đến 2030: giảm phát thải tương đối đến mức 27% nhưng cải thiện không đáng kể về mặt tuyệt đối

Lấy năm 2014 làm năm cơ sở mới đồng thời cập nhật danh mục kiểm kê phát thải khí nhà kính quốc gia, Việt Nam đã cam kết giảm 7,3% phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường (BAU) vào năm 2025, và tăng nhẹ mục tiêu giảm nhẹ tương đối vào năm 2030 từ 8% trong NDC cũ lên 9%. NDC hiện nay gợi ý mức đóng góp giảm nhẹ này có thể được tăng lên tới 27% vào năm 2030 nếu nhận được hỗ trợ quốc tế - một mức tăng khiêm tốn so với mục tiêu 25% đặt ra trong NDC trước.

Tuy nhiên so với NDC trước, bản cập nhật này chỉ tạo cảm giác gia tăng mức tham vọng giảm phát thải khí nhà kính (KNK) ở bề mặt: Theo một phân tích mới đây từ Climate Action Tracker (CAT), xét về mức phát thải tuyệt đối, bản cập nhật NDC của Việt Nam chỉ cho thấy mức cải thiện rất nhỏ so với NDC trước. Sự chỉ trích này dựa trên thực tế rằng trong bản cập nhật, Việt Nam đã giả định mức phát thải cho đến năm 2030 theo kịch bản phát triển thông thường mà CAT cho là cao hơn nhiều so với các dự báo theo chính sách hiện tại. Với kịch bản BAU bị phóng đại quá mức, CAT cho rằng Việt Nam sẽ dễ dàng đạt được các mục tiêu giảm phát thải đề ra mà không cần phải có thêm nỗ lực nào. Vì lẽ đó, CAT đánh giá các mục tiêu giảm phát thải trong NDC cập nhật của Việt Nam là “vô cùng bất cập” bởi chúng được cho là tương ứng với mức độ nóng lên toàn cầu trên 4°C.

NDC cập nhật đưa ra nhiều đồng lợi ích của việc phi các-bon hóa ngành năng lượng

Sự kết hợp giữa thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu với phát triển kinh tế - xã hội được nhấn mạnh trong nội dung của NDC cập nhật, đồng thời cũng định hướng quá trình đặt mục tiêu và hành động ưu tiên trong rà soát NDC:

Các hành động trong các lĩnh vực tiềm năng khác nhau có thể được tăng cường kết hợp với phát triển kinh tế xã hội theo những cách khác nhau. Ví dụ, các biện pháp giảm nhẹ trong lĩnh vực năng lượng có thể kết hợp với phát triển kinh tế xã hội ở mức cao cho đến rất cao, bao gồm điện gió, điện mặt trời, tiết kiệm điện chiếu sáng, và làm mát hiệu quả.

 Chính phủ Việt Nam (2020): Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật, đệ trình cho UNFCCC ngày 11.09.2020

Tất cả các lĩnh vực trong NDC cập nhật của Việt Nam đều được cho là mang lại các lợi ích kinh tế xã hội theo cách này hay cách khác. Các biện pháp giảm nhẹ trong lĩnh vực năng lượng được đánh giá là vô cùng triển vọng, với mức đánh giá về khả năng kết hợp với phát triển kinh tế xã hội ở mức cao đến rất cao. Đặc biệt, điện gió, điện mặt trời và các biện pháp hiệu quả năng lượng khác được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều đồng lợi ích tiềm năng về kinh tế - xã hội. Việc giảm nhập khẩu than sẽ giúp tăng cường khả năng tự chủ về năng lượng của Việt Nam cũng như khuyến khích việc chuyển hướng sang các nguồn năng lượng trong nước vốn chưa được khai thác như mặt trời và gió, giúp tăng cường an ninh năng lượng quốc gia.

Các biện pháp giảm nhẹ trong lĩnh vực năng lượng đề xuất trong NDC này cũng được kỳ vọng sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp mới, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, tăng cường các dịch vụ lắp ráp và bảo dưỡng, v.v. Đặc biệt, phát triển các công nghệ giảm nhẹ trong ngành năng lượng, trong đó có năng lượng tái tạo, sẽ tạo ra nhiều việc làm xanh hơn với thu nhập cao hơn, hướng tới một nền kinh tế thịnh vượng hơn.

Đầu tư vào hành động khí hậu, đầu tư vào tương lai Việt Nam

Theo NDC cập nhật, chi phí đầu tư để đạt được mức cam kết vô điều kiện (giảm 9% phát thải so với kịch bản BAU vào năm 2030) ước tính vào khoảng 24,7 tỷ USD. Theo một thông tin mới đây từ Bộ TN&MT, các khoản đầu tư này sẽ cần phải tăng hơn gấp đôi, lên tới 56 tỷ USD, để đáp ứng mục tiêu có điều kiện là giảm 27% lượng phát thải so với kịch bản BAU vào năm 2030. Đây là thách thức đối với một quốc gia có thu nhập ở mức trung bình thấp, đặc biệt là sau những tác động gần đây của đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, với những đồng lợi ích được nêu lên trong NDC cập nhật, các khoản đầu tư này có thể được xem như đầu tư vào một nền kinh tế hướng đến tương lai cho người Việt. Theo một nghiên cứu do dự án IASS COBENEFITS thực hiện, việc thay thế các nhà máy điện than bằng năng lượng mặt trời hoặc gió sẽ tăng hơn gấp đôi số việc làm trên mỗi megawatt (MW) công suất phát điện trung bình. Trong giai đoạn 15 năm từ 2015 đến 2030, năng lượng mặt trời và gió dự kiến sẽ tạo ra lần lượt là 3,5 việc làm và 2,8 việc làm trên mỗi MW công suất lắp đặt trung bình, so với chỉ 1,4 việc làm/MW đối với nhà máy nhiệt điện than. Các nghiên cứu tương tự về tác động tích cực đối với sức khỏe người dân và phát triển nông thôn cũng được công bố gần đây.  

Một khoản đầu tư mang tính đột phá như vậy cho nền kinh tế các-bon thấp sẽ không chỉ góp phần duy trì giới hạn nhiệt độ đề ra trong Thỏa thuận Paris và thúc đẩy nhiều SDG khác, mà còn đảm bảo việc phục hồi xanh hậu COVID-19 trong trung hạn. Thêm vào đó, thông qua việc xác định các nhiệm vụ chiến lược nhằm nâng cao năng lực thích ứng, tăng cường khả năng phục hồi và giảm thiểu rủi ro gây ra do khí hậu, hợp phần thích ứng trong NDC cập nhật cũng có thể đóng góp cho việc thực hiện thành công chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam

Với phạm vi của các yêu cầu đầu tư ban đầu như vậy, các đối tác khí hậu quốc tế như Sáng kiến khí hậu quốc tế (IKI) của Đức và tài chính khí hậu quốc tế có thể đóng vai trò là chất xúc tác giúp Việt Nam nắm bắt những cơ hội đã được xác định, góp phần để Thỏa thuận Paris trở thành một thành công cho hành tinh và cho mọi người.

Truyền thông về các đồng lợi ích của NDC: Kêu gọi hỗ trợ trong nước và tạo ra động lực toàn cầu cho hành động vì khí hậu

Thông qua việc bổ sung thêm một chương về các đồng lợi ích kinh tế - xã hội của các chính sách khí hậu trong NDC cập nhật, Chính phủ Việt Nam đã nêu bật nhiều lợi ích khác nhau của hành động khí hậu nhiều tham vọng. Để đảm bảo rằng bước tiến của Việt Nam sẽ được đánh giá cho báo cáo quốc gia tiếp theo về NDCs, cần thiết lập cơ chế và quy trình giám sát và báo cáo liên quan đến các đồng lợi ích kinh tế - xã hội. Điều này sẽ đặt nền móng cho việc đánh giá, và nếu cần, mở rộng các hoạt động cần thiết để hiện thực hóa các mục tiêu năng lượng tái tạo tham vọng, tạo môi trường thuận lợi cho hàng loạt các đồng lợi ích sẵn có.

Ngoài việc đưa thông tin về các cơ hội tiềm năng và kêu gọi sự ủng hộ trong nước đối với hành động khí hậu, việc đề cập đến các đồng lợi ích trong quá trình truyền thông liên quan đến NDC có thể kích thích việc học hỏi nhân rộng, góp phần tạo ra động lực toàn cầu để xây dựng các liên minh vững mạnh cho những hành động khí hậu sớm và nhiều tham vọng.

 

Các ý kiến được nêu ra thuộc về nhóm tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của FES

Friedrich-Ebert-Stiftung
Vietnam Office

7 Ba Huyen Thanh Quan
Ba Dinh
Hanoi - Vietnam
IPO Box 44

+84   24 38455108
+84   24 38452631

mail.vietnam(at)fes.de

Team & Contact