05.02.2021

Ảnh hưởng của tự động hóa đến người lao động Việt Nam

Ranh giới giữa sử dụng công nghệ để quản lý người lao động và sử dụng công nghệ để kiểm soát người lao động là rất nhỏ. Trong cuộc phỏng vấn với FES, chuyên gia lao động, Tiến sĩ Phạm Thị Thu Lan, ủng hộ việc khuyến khích người lao động và công đoàn tham gia vào quá trình sử dụng công nghệ và dữ liệu liên quan đến người lao động tại nơi làm việc.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mở ra một giai đoạn mới của sự tự động hóa cấp độ cao, được dự đoán sẽ có ảnh hưởng lớn đến công việc và kỹ năng của người lao động, đặc biệt trong các ngành công nghiệp thâm dụng lao động. Hỗ trợ sự phát triển bền vững về kinh tế-xã hội tại Việt Nam từ năm 1990, Viện Friedrich-Ebert-Stiftung (FES) phỏng vấn chuyên gia về lao động, tiến sĩ Phạm Thị Thu Lan, về kết quả nghiên cứu của bà về quá trình tự động hóa trong ngành may mặc và giày dép tại Việt Nam, cũng như nhận định của bà về những rủi ro người lao động sẽ gặp phải trong 5-10 năm tới.

Tự động hóa tăng trong ngành may mặc là một chủ đề được thảo luận nhiều. Tại sao chúng ta vẫn cần phải tiếp tục nhìn nhận sâu hơn về điều đó?

Tiến sĩ Phạm Thị Thu Lan: Mỗi cuộc cách mạng công nghiệp là một bước tự động hóa cao hơn. Từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất đến cách mạng công nghiệp lần thứ ba, tự động hóa là thay thế việc làm tay chân bằng máy móc. Tuy nhiên, máy móc chỉ cạnh tranh với con người về năng lực thể chất, nhưng đồng thời lại tạo ra việc làm mới là việc làm trí óc-những công việc đòi hỏi khả năng nhận thức. Nhận thức và tư duy của con người là cái riêng mà máy móc không thể thay thế được. Ví dụ: nghề dệt vải, bắt đầu từ dệt đan bằng tay, đến máy dệt đạp bằng chân, đến máy dệt bằng sức nước, rồi máy dệt chạy bằng điện và đến nay xuất hiện máy dệt điều hành bằng máy tính/ phần mềm, nhưng tất cả các bước tự động hóa này vẫn cần tới con người để vận hành máy, thiết kế sản phẩm, thiết kế hoa văn trang trí, kiểm tra lỗi sản phẩm, v.v… Chỉ con người mới có thể học tập và giao tiếp với nhau, hiểu được cảm xúc của nhau để thiết kế ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của nhau. Tuy nhiên, cách mạng công nghiệp lần thứ tư là một bước tiến vượt bậc về tự động hóa, bởi giờ đây tự động hóa không chỉ lấy đi việc làm tay chân mà còn có khả năng lấy đi phần lớn việc làm cần trí óc của con người. Các công nghệ cảm ứng, học máy, trí tuệ nhân tạo, chúng giúp cho máy móc có thể tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu riêng của mỗi cá nhân. Rất nhiều việc làm trí óc hiện nay đều có thể được thực hiện bằng máy; nếu để công nghệ phát triển “tự do” thì rất có thể một ngày nào đó sẽ không còn việc làm cho con người.

Chúng ta cần nhìn nhận sâu về vấn đề này vì có rất nhiều khía cạnh tác động của công nghệ tới con người, cả tích cực và tiêu cực. Trong ngành may mặc và giày dép, trong khi lợi thế sức lao động vẫn áp đảo chi phí công nghệ, công nghệ rất có thể được sử dụng để kiểm soát con người nhằm tăng năng suất và hiệu quả quản lý. Camera có thể được lắp đặt khắp nơi làm việc để giám sát năng lực, thái độ và hành vi của người lao động. Thậm chí tại một số nước xuất hiện việc một số doanh nghiệp trang bị găng tay, áo bảo hộ lao động gắn chip, mục tiêu ban đầu là theo dõi thao tác và tốc độ công việc để cải tiến công nghệ, nhưng đồng thời cũng giám sát năng lực cá nhân của mỗi người lao động. Quyền tự do cá nhân bị mất đi khi ứng dụng công nghệ. Dữ liệu cá nhân về năng lực làm việc, thái độ và hành vi của người lao động đều được lưu trữ, từ đó dẫn tới sự kiểm soát người lao động bởi dữ liệu cá nhân có thể được dùng để đe dọa nếu người lao động có ý định chuyển việc hoặc chống lại doanh nghiệp. Điều này tạo áp lực công việc và stress mới cho người lao động. Dữ liệu cá nhân thậm chí có thể được bán, trở thành một thứ hàng hóa kiếm tiền của doanh nghiệp.

Ranh giới giữa sử dụng công nghệ để quản lý người lao động và sử dụng công nghệ để kiểm soát người lao động là rất nhỏ, đòi hỏi các bên phải thiết lập các quy tắc chặt chẽ, minh bạch, cần có sự tham gia của người lao động và công đoàn trong quá trình sử dụng công nghệ và dữ liệu liên quan tới người lao động tại nơi làm việc.

Trong nghiên cứu của chị về tự động hóa ngành giầy dép, bà có đưa ra các khuyến nghị đối với chính phủ, doanh nghiệp, công đoàn và người lao động. Trong các yếu tố đó, bà thấy cần phải ưu tiên tác động đến yếu tố nào để hỗ trợ người lao động trước tự động hóa?

 Tiến sĩ Phạm Thị Thu Lan: Khó có thể có một giải pháp duy nhất để giải quyết vấn đề này. Ngành may mặc và giày dép đều là ngành thâm dụng lao động, và kết quả khảo sát cho thấy khả năng tự động hóa sẽ gia tăng trong vòng 5-10 năm tới. Mặc dù vậy, dự báo về triển vọng phát triển tốt của cả hai ngành này sẽ giúp cho số lượng việc làm chưa bị sụt giảm và người lao động có thể chưa mất việc do tự động hóa. Người lao động bị dôi dư từ các bộ phận tự động hóa có thể được chuyển sang các bộ phận mở rộng sản xuất của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nguy cơ lớn hơn sẽ diễn ra sau đó, trước mắt lợi thế giá lao động thấp so với giá công nghệ sẽ vẫn khuyến khích các doanh nghiệp tuyển dụng thêm lao động cho mở rộng sản xuất hơn là đầu tư cho tự động hóa ở mức độ cao hơn. Nhưng khi tỷ lệ thất nghiệp gia tăng khi giá công nghệ bắt đầu giảm xuống và doanh nghiệp dịch chuyển sang đầu tư tự động hóa ở mức độ cao hơn. Vì vậy, cần ưu tiên thực hiện chính sách kép, bao gồm: giảm bớt kích thích bằng lao động giá thấp (thông qua chính sách tăng lương và giảm giờ làm) để khuyến khích chuyển đổi công nghệ đi kèm với hỗ trợ và đào tạo chuyển đổi tay nghề cho người lao động nhằm tạo ra sự dịch chuyển từ từ và bền vững. Phát triển bền vững cần được coi trọng tâm vì không chỉ nguy cơ của tự động hóa mà cuộc khủng hoảng Covid-19 cũng cho thấy việc sử dụng đông lao động giá thấp là không bền vững bởi thực tế người lao động “ráo mồ hôi là hết tiền”, không có tích lũy và phải dựa vào sự trợ giúp của cộng đồng và xã hội. Nên coi Covid-19 là cơ hội để không lặp lại con đường đã đi, giảm dần lợi thế thâm dụng lao động giá thấp trong các ngành sản xuất xuất khẩu.

Thông qua hai nghiên cứu tự động hóa trong ngành may mặc và giầy dép, bà đánh giá thế nào về tương lai gần của người lao động Việt Nam trước bối cảnh tự động hóa?

Tiến sĩ Phạm Thị Thu Lan: Nếu không có sự thay đổi tư duy trong thực hiện chính sách kép như đã nói ở trên thì tương lai gần của đa số người lao động Việt Nam trong ngành may mặc và giày dép là sẽ vẫn miệt mài kiếm sống từng đồng bằng các công việc giản đơn và đối mặt với nguy cơ mất việc mà không có sự chuẩn bị. Kết quả khảo sát cho thấy các kỹ năng việc làm trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư khi máy móc, thiết bị công nghệ mới được đưa vào là rất khác so với kỹ năng hiện tại người lao động đang có, trong đó đặc biệt đòi hỏi đa kỹ năng, không chỉ kỹ năng chuyên môn ngành nghề mà còn cả kỹ năng tin học, ngoại ngữ và tư duy hệ thống như tư duy phản biện, sáng tạo, xử lý và giải quyết vấn đề hệ thống, v.v…. Với người lao động trong ngành may mặc và giày dép hiện nay, đa số đều là lao động giản đơn, việc đào tạo các kỹ năng mới và đạt yêu cầu ở trình độ cao không phải là dễ dàng. Hiện nay, việc đào tạo cho người lao động ở các doanh nghiệp chủ yếu mới chỉ dừng ở đào tạo để đáp ứng các kỹ năng của hiện tại chứ chưa kết hợp đào tạo để đáp ứng kỹ năng của tương lai. Quyết định thay đổi công nghệ là tức thì, việc mua sắm thay thế công nghệ, một khi đã quyết định, sẽ không mất nhiều thời gian, nhưng đào tạo lại cần có thời gian. Nhìn từ góc độ của người lao động, đây sẽ là một thách thức rất lớn nếu họ không được chuẩn bị trước.

 

Tiến sĩ Phạm Thị Thu Lan là Viện Phó Viện Công Nhân và Công Đoàn và là một chuyên gia nghiên cứu lao động. Bà đã làm việc cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hơn 20 năm.

The views expressed in this article are not necessarily those of FES.

Friedrich-Ebert-Stiftung
Vietnam Office

7 Ba Huyen Thanh Quan
Ba Dinh
Hanoi - Vietnam
IPO Box 44

+84   24 38455108
+84   24 38452631

mail.vietnam(at)fes.de

Team & Contact