15.04.2020

VIỆT NAM: COVID-19 VÀ THÁCH THỨC ĐỐI VỚI NGÀNH GIÁO DỤC

Đại dịch virus corona (COVID-19) đang lan truyền một cách nhanh chóng. Cũng như tất cả các lĩnh vực khác, giáo dục ở tất cả các cấp đều bị ảnh hưởng. Theo tổ chức UNESCO (1), tính đến ngày 8/4/2020, trên thế giới có gần 1,6 tỉ học sinh và sinh viên bị ảnh hưởng; 188 quốc gia buộc phải đóng cửa các trường học trên toàn quốc, gây tác động đến 91.3% tổng số học sinh, sinh viên trên toàn thế giới. Việc đóng cửa đột ngột các trường học, cao đẳng, và đại học đã làm gián đoạn các hoạt động giảng dạy và học tập.

Ở Việt Nam, tính đến ngày 8/4/2020, tất cả 63 tỉnh, thành đã cho học sinh, sinh viên nghỉ ở nhà. Ngày 1/4/2020, Việt Nam bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội trên quy mô toàn quốc để ngăn chặn sự lây lan của virus corona; người dân được khuyến cáo ở yên trong nhà. Tuy nhiên, ngành giáo dục không thể và sẽ không để bị ngăn chặn. Cùng với nhiều quốc gia khác trên thế giới, thật không dễ dàng để Việt Nam xây dựng một kịch bản chắc chắn cho ngành giáo dục, bởi tình hình đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.

Virus corona đặt ra nhiều thách thức khác nhau cho hệ thống giáo dục và đào tạo của Việt Nam. Trước tình hình các trường học đóng cửa do đại dịch virus corona, các cơ sở giáo dục và giáo viên phải đối mặt với thách thức to lớn, đó là làm thế nào để kết nối với học sinh và đảm bảo tính liên tục của hoạt động giảng dạy thông qua hình thức đào tạo trực tuyến. Đối với học sinh, sinh viên ở các thành phố lớn, đào tạo trực tuyến là cách tốt nhất để giảng dạy học sinh, sinh viên trong bối cảnh cách ly tại nhà. Tuy nhiên, nhiều học sinh vùng sâu vùng xa không có đường truyền kết nối internet ổn định, nên để đảm bảo tính liên tục của giáo dục thông qua phương thức học từ xa đã trở thành một thách thức.

Đóng cửa trường học không chỉ ảnh hưởng tới nhà trường, mà còn cả các bậc phụ huynh, giáo viên, và các cơ sở đào tạo. Nhiều phụ huynh ở Việt Nam phải nghỉ làm để chăm sóc con nhỏ. Hơn nữa, việc đồng thời làm việc tại nhà và kết hợp chăm sóc con cái có thể làm giảm năng suất lao động. Thêm vào đó, diễn biến phức tạp của dịch bệnh cũng đẩy các trường học và cơ sở giáo dục tư nhân đối mặt với nguy cơ đóng cửa vĩnh viễn và hệ quả là phá sản. Từ đó mà hàng nghìn người mất việc, và hàng triệu học sinh, sinh viên bị gián đoạn việc học. Đối với các cơ sở giáo dục công lập, các quyết định không chắc chắn sẽ gây ra sự chậm trễ trong việc đóng học phí của học sinh, sinh viên và từ đó ảnh hưởng tới tiền lương của giáo viên và đội ngũ nhân viên.

Để vượt qua những khó khăn này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hai lần thông báo điều chỉnh lịch học và thi cử. Lần gần đây nhất là vào ngày 13/03/2020. Theo đó, năm học 2019-2020 sẽ kết thúc trước ngày 15/07/2020. Kỳ thi THPT năm nay sẽ diễn ra từ ngày 8-11/08/2020, chậm hơn 1,5 tháng so với những năm trước và một tháng so với lần điều chỉnh đầu tiên. Ngoài ra, các trường học và đại học được khuyến khích sử dụng đa dạng các hình thức giảng dạy trực tuyến để đảm bảo tính liên tục trong quá trình giảng dạy học sinh.

Ủng hộ sáng kiến của Bộ GD-ĐT, vào ngày 26/3 các nhà mạng lớn ở Việt Nam, bao gồm Viettel, VNPT, MobiFone, và Vietnamobile cam kết hỗ trợ ngành giáo dục trong việc ngăn chặn và kiểm soát COVID-19 bằng cách miễn phí lưu lượng data điện thoại cho học sinh, sinh viên, giáo viên, và phụ huynh khi sử dụng các giải pháp đào tạo trực tuyến do Bộ GD-ĐT công bố. Đây cũng được coi là nỗ lực nhằm tăng tốc quá trình số hóa ở Việt Nam.

Bộ GD-ĐT cũng cấp phép các tỉnh thành thực hiện dạy học đại trà qua truyền hình và dạy học trực tuyến. Lịch phát sóng các bài giảng được thông báo rộng rãi để học sinh có thể tham gia vào việc học, đặc biệt là cho học sinh lớp 9 và lớp 12. Các trường và đại học thực hiện đào tạo trực tuyến cũng đồng thời giảm học phí hoặc cấp học bổng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Đã đến lúc Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới tập trung vào các biện pháp hỗ trợ học sinh, sinh viên, đặc biệt là giúp đỡ học sinh vượt qua khó khăn về mặt tinh thần khi phải xa giáo viên và bạn bè. Tăng cường sự kết nối giữa phụ huynh và nhà trường cũng vô cùng quan trọng, thậm chí là hỗ trợ tâm lý cho học sinh và phụ huynh, những người cần được giúp đỡ. Học sinh đã quen với cuộc sống xã hội năng động ở trường, chơi và học với bạn bè, tuy nhiên sự đơn điệu khi phải giãn cách và cách ly xã hội có thể khiến cho các em trở nên hung hăng, trầm cảm, hoặc uể oải trong thời gian dài. Còn đối với phụ huynh, cân bằng công việc và giải quyết nhu cầu ngày càng lớn của con cái là một nhiệm vụ khó khăn. Do vậy, tăng cường sự kết nối giữa gia đình và nhà trường, giữa phụ huynh và giáo viên là vô cùng quan trọng để giúp giải quyết các vấn đề của học sinh.

Học tại nhà là biện pháp khắc phục trong bối cảnh COVID-19 và chúng ta phải đặt ra mục tiêu biến thách thức thành cơ hội. Để thực hiện được điều đó, chúng ta rất cần sự hợp tác của gia đình, trường học, và xã hội cũng như học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia khác.

 

[1] https://en.unesco.org/covid19/educationresponse

Friedrich-Ebert-Stiftung
Vietnam Office

7 Ba Huyen Thanh Quan
Ba Dinh
Hanoi - Vietnam
IPO Box 44

+84   24 38455108
+84   24 38452631

mail.vietnam(at)fes.de

Team & Contact